Bao bì “kìm” đầu ra

Nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm, rau quả Việt Nam sức cạnh tranh kém, thậm chí còn thua trên “sân nhà” chỉ bởi lý do công nghệ bảo quản kém, bao bì nhãn mác không hấp dẫn…

 

Bao bì “kìm” đầu ra

 

Theo ông Ngô Quang Tú – Trưởng phòng chế biến, bảo quản nông sản, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, 10 năm trở lại đây, công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản duy trì mức tăng trưởng 5-7%/năm. Mặc dù vậy, ngành này vẫn phát triển dưới tiềm năng và dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới do công nghệ bảo quản sản phẩm chưa được chú trọng đầu tư. Đại diện Phân viện Cơ – Điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch miền Nam, ông Lê Mạnh Hùng cũng cho biết, giá trị xuất khẩu rau quả sẽ ngày càng tăng do rau quả Việt Nam đang được sự quan tâm của các thị trường cao cấp như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand… Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực và thế giới, nông sản Việt Nam sức cạnh tranh thấp do mẫu mã chưa hấp dẫn, bao bì bảo quản thực phẩm, nông sản và rau quả của Việt Nam vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn thực phẩm.

Ông Richard Moore – chuyên gia thương hiệu Mỹ từng khuyến cáo: “Gạo Việt Nam cần cải thiện chất lượng bao bì. Tôi từng gặp gạo Việt Nam bên trong rất ngon nhưng bao bì lại quá xấu. Để nâng cao giá trị cho gạo Việt, ngoài chất lượng gạo, cần sự đầu tư lớn về tiếp thị, bao bì… Người tiêu dùng chọn lựa sản phẩm chủ yếu tập trung vào sản phẩm có thương hiệu. Mà muốn tạo dựng thương hiệu phải tạo được cảm xúc với khách hàng và bao bì là một trong yếu tố tạo cảm xúc ban đầu”.

Với kinh nghiệm xuất khẩu trái cây qua Mỹ, ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng giám đốc Vina T&T Group chia sẻ: “Muốn vào hệ thống phân phối ngoại, sản phẩm không chỉ đảm bảo tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm mà phải nắm bắt được các quy định của nước nhập khẩu về tiêu chuẩn, quy chuẩn hàng hóa, trong đó là cách đóng gói bao bì. Ở các nước, đều có quy chuẩn bảo vệ sức khỏe, vì vậy, ngay từ bao bì, mẫu mã phải đảm bảo chứng minh không tồn dư chất độc hại, nhất là việc sử dụng bao bì nylon.

Giám đốc một công ty xuất khẩu hồ tiêu cho biết, ở nước ngoài, khách hàng rất thích trái bưởi Việt Nam nhưng tiêu thụ chậm. Lý do, người nước ngoài thích ăn bưởi đã làm sẵn, bỏ hộp, trong khi  công nghệ đóng gói, bảo quản của Việt Nam chưa cao nên thường xuất khẩu nguyên trái. Vị giám đốc này cho biết thêm, cách đây hai năm, một công ty của Hàn Quốc có nhu cầu nhập khẩu trái cây cấp đông của Việt Nam vào Hàn Quốc. Tuy nhiên, rất ít doanh nghiệp (DN) Việt Nam có thể đóng gói mặt hàng này với các trọng lượng đa dạng nhỏ hơn 1kg như 80g, 150g, 200g hay 250g, thậm chí đóng các gói lớn dạng 500kg hay 1 tấn cũng khó thực hiện. Cho đến nay, việc đóng gói các loại nông sản thực phẩm xuất đi Hàn Quốc của Việt Nam cũng không mấy cải thiện. Đại diện Lotte Mart Việt Nam cho biết, các mặt hàng cà phê, chè, trái cây sấy khô và nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam đa số mẫu mã, bao bì đơn điệu, thiếu sáng tạo, chưa có tính thẩm mỹ, năng lực đóng gói bao bì còn thấp. Trong khi bao bì quốc tế có xu hướng đơn giản hóa, màu sắc nhã nhặn thì các mặt hàng như kẹo dừa, mít sấy, bánh tráng, bún khô… của Việt Nam có màu sắc sặc sỡ, không phù hợp với thị hiếu người Hàn Quốc. Nếu DN chịu khó nâng cấp bao bì, giả sử giá tăng thêm 10% thì khách hàng vẫn sẽ mua.

Cái khó và rào cản muôn thuở của DN vẫn là chi phí và công nghệ. Ông Nguyễn Huỳnh Đạt – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Kỹ nghệ Thực phẩm Việt Nhật cho biết: “Chi phí bao bì thường chiếm từ 30-40% giá thành sản phẩm. Chính vì vậy, để có giá thành cạnh tranh, nhiều DN phải cắt bớt chi phí bao bì hoặc có đầu tư thì cũng không hợp tác với các công ty lớn có chất lượng bao bì, in ấn, đóng gói hiện đại vì giá cao hơn nhiều so với các công ty nhỏ”.

Bà Phạm Phương Thảo – CEO của Organica cho biết: “Ngay từ khi thành lập, Organica đã tính đến nhiều phương án để thay đổi các loại bao bì cho rau tươi cũng như sản phẩm chế biến (đậu phụ, bún, các loại hàng khô…) để vừa đảm bảo yếu tố mỹ thuật vừa giảm thiểu tác động đến môi trường. Tuy nhiên, để làm được điều này không phải dễ dàng vì thứ nhất các nhà cung cấp của Việt Nam còn rất thiếu nên mẫu mã kém đa dạng, nhiều loại túi đóng gói phải nhập khẩu nên giá thành cao. Cũng vì ít nhà cung cấp nên ngoài thiếu mẫu mã, chất liệu thì các nhà cung cấp cũng yêu cầu người mua phải đặt với số lượng lớn sẽ là thách thức vì tốn nhiều tiền hơn và quy mô nhỏ nên sẽ rất lâu mới dùng hết túi đặt đúng số lượng đơn. Do đó, đến nay Organica mới thay thế được một phần túi nhựa khó phân hủy bằng túi nhựa dễ phân hủy hơn, thay bao bì nhựa bằng bao bì giấy”.

Bà Thảo cho biết thêm: “Bao bì ngày càng quan trọng trong việc nhận được sự thiện cảm và thu hút khách hàng. Ví dụ việc sử dụng các bao bì đóng gói bằng vật liệu thân thiện với môi trường sẽ được khách hàng ủng hộ nhiều hơn. Organica đang thử nghiệm chuyển sử dụng bao nilon gói rau sang túi giấy nhưng chưa thành công vì không có bao giấy chuyên dụng cho gói rau. Do rau ở Việt Nam là rau nhiệt đới rất dễ bị héo nếu như bao bì không kín nên dùng các loại giấy thông thường thì rau héo ngay trong ngày”.

Ông Nguyễn Lâm Viên – Tổng giám đốc Công ty Vinamit cũng cho rằng, với những bao bì đòi hỏi chất lượng cao để bảo quản sản phẩm thực phẩm thì hiện nay vẫn rất ít DN Việt sản xuất được. Chẳng hạn, các loại bao bì giấy có PE chống thẩm thấu hay loại túi có yêu cầu vừa xếp hông vừa có zipper kéo lại khi sử dụng chưa hết thì các DN Việt cũng chưa làm tốt như nước ngoài.

Nguồn: doanhnhansaigon.vn

CÁC TIN LIÊN QUAN